Moses (tiếng Latinh: Moyses, Hy Lạp: Mωυσής; Ả Rập: موسىٰ, Mūsa; Ge'ez: ሙሴ, Musse), trong tiếng Việt là Mô-sét hoặc Môi-se hoặc Môi-xen hoặc Mô-sê, là lãnh tụ tôn giáo, ngôn sứ, người công bố luật pháp, nhà chỉ huy quân sự và sử gia. Ông cũng được xem là người chép Ngũ Thư Torah (năm sách đầu tiên của Kinh Thánh). Trong tiếng Hebrew, ông được gọi là Moshe Rabbeinu (מֹשֶׁה רַבֵּנוּ, Lit. "Moses Thầy chúng ta"). Moses là một trong những vị ngôn sứ quan trọng nhất trong Do Thái giáo,[1][2] Kitô giáo,[1] Hồi giáo,[3] Bahá'í giáo,[4] Druze giáo, và các tôn giáo Abrahamic khác.
Theo ký thuật của Kinh Thánh, Moses là con của một phụ nữ Hebrew. Khi nhận biết đứa bé sơ sinh là con trai, bà tìm cách cứu con mình khỏi bị giết theo một chiếu chỉ của Pharaoh ra lệnh tàn sát tất cả bé trai thuộc dân tộc Israel nô lệ ngay khi chúng vừa chào đời. Cuối cùng, cậu bé Moses được nhận nuôi để trở nên một thành viên của Hoàng gia Ai Cập. Sau khi ra tay giết chết một quản nô Ai Cập để cứu một người Hebrew, Moses bị buộc phải chạy trốn, rồi trở thành mục tử. Về sau ông được Thiên Chúa kêu gọi trở về Ai Cập với sứ mạng giải phóng dân tộc mình khỏi ách nô lệ, dẫn dắt họ băng qua Hồng Hải, tiến vào hoang mạc và, vì lòng vô tín và sự cứng lòng của dân Israel, ông cùng với họ lưu lạc trong đó suốt 40 năm. Moses không được vào Đất Hứa, ông sống thọ 120 tuổi.
Ông là một thiên tài quân sự.[5] Buổi đầu sự nghiệp của ông khá giống với vua Cyrus Đại Đế - vị Hoàng đế khởi lập Đế quốc Ba Tư (xem bộ sử "Historiai" của Herodotos) - và ông cùng với vua Cyrus Đại Đế đóng vai trò vô cùng lớn lao trong lịch sử.[6] Ông trở thành một vị anh hùng dân tộc của người Do Thái.[7]