Roma | |||||||||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
— Thành phố thủ đô và comune — | |||||||||||||||
S.P.Q.R. Roma Capitale | |||||||||||||||
Tên hiệu: Urbs Aeterna Thành phố vĩnh hằng Urbs Septicollis Ngai của các vị Thánh | |||||||||||||||
Khẩu hiệu: Senātus Populusque Rōmānus "Viện Nguyên lão và Nhân dân La Mã" | |||||||||||||||
Phạm vi của thành phố Roma (Roma Capitale, màu đỏ) nằm bên trong Thành phố đô thị Roma Thủ đô (Città Metropolitana di Roma Capitale, màu vàng). Khoảng trắng nhỏ ở giữa là Thành quốc Vatican. | |||||||||||||||
Vị trí bên trong nước Ý và châu Âu | |||||||||||||||
Quốc gia | Ý[a] | ||||||||||||||
Vùng | Lazio | ||||||||||||||
Tỉnh | Thành phố đô thị Roma Thủ đô | ||||||||||||||
Người sáng lập | Romulus, Remus | ||||||||||||||
Tổ chức hành chính | 15 quận (municipio) | ||||||||||||||
Chính quyền | |||||||||||||||
• Kiểu | Đô thị cấp huyện (loại đặc biệt) | ||||||||||||||
• Thành phần | Hội đồng thành phố Roma | ||||||||||||||
• Thị trưởng | Roberto Gualtieri | ||||||||||||||
Diện tích | |||||||||||||||
• Thành phố | 1.285 km2 (496 mi2) | ||||||||||||||
• Thành phố đô thị | 5.363 km2 (2,071 mi2) | ||||||||||||||
Độ cao | 21 m (69 ft) | ||||||||||||||
Độ cao cực đại | 139 m (456 ft) | ||||||||||||||
Độ cao cực tiểu | 0 m (0 ft) | ||||||||||||||
Dân số (1 tháng 1 năm 2024) | |||||||||||||||
• Thứ hạng | Thứ 1 ở Ý, thứ 8 tại châu Âu | ||||||||||||||
• Mật độ | 2.144/km2 (5,550/mi2) | ||||||||||||||
• Thành phố | 2.754.719[1] | ||||||||||||||
• Thành phố đô thị | 4.230.292[1] | ||||||||||||||
Tên cư dân | tiếng Ý: Romano (nam), Romana (nữ), Romani (số nhiều) tiếng Anh: Roman/Romans | ||||||||||||||
Các múi giờ | UTC+1, UTC+2 | ||||||||||||||
CEST (UTC+2) | |||||||||||||||
Mã bưu chính | 00100; 00118 đến 00199 | ||||||||||||||
Mã điện thoại | 06 | ||||||||||||||
Thành phố kết nghĩa | Paris, Kraków, Johannesburg, Cincinnati, Douala, Marbella, Achacachi Municipality, Tokyo, Sevilla, Benevento, Seoul, Contrada della Lupa, Plovdiv, Kyiv, Washington, D.C., Brasilia, Bắc Kinh, Thành phố México, Tirana | ||||||||||||||
Thánh bảo hộ | Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ (29 tháng 6) | ||||||||||||||
Website | Comune di Roma | ||||||||||||||
|
Roma (tiếng Latinh và tiếng Ý: Roma [ˈroːma] ⓘ; còn phổ biến với tên gọi Rome trong tiếng Anh và tiếng Pháp hay La Mã theo phiên âm Hán Việt) là thủ đô của nước Ý và là một đô thị cấp huyện (comune) loại đặc biệt (có tên đầy đủ là Comune di Roma Capitale – nghĩa là "Thành phố Roma Thủ đô"), đồng thời đóng vai trò là thủ phủ vùng Lazio trung tâm của quốc gia này. Roma là thành phố lớn nhất và đông dân thứ hai ở Ý (chỉ sau thành phố Napoli) với hơn 2,75 triệu cư dân trong phạm vi 1.285,3 km2.[1] Đây là thủ đô đông dân thứ ba của Liên minh châu Âu, sau Berlin và Madrid, tính theo số dân sinh sống bên trong phạm vi thành phố. Roma cũng đồng thời là nòng cốt của Thành phố đô thị Roma Thủ đô với hơn 4,2 triệu cư dân, do đó là thành phố đô thị đông dân nhất của nước Ý.[1] Được xây dựng trên địa thế đặc biệt của bảy ngọn đồi, Roma tọa lạc theo hạ lưu dòng Tiber gần nơi cửa sông đổ ra Địa Trung Hải thuộc Trung Tây của bán đảo Ý, khu vực Latium lịch sử. Thành quốc Vatican, quốc gia nhỏ nhất thế giới,[2] là một đất nước độc lập nằm trong lòng Roma, đây là ví dụ duy nhất về một quốc gia nằm trọn vẹn bên trong lãnh thổ của một thành phố; cũng vì lý do này mà Roma thường được xem là thủ đô lưỡng quốc.[3][4]
Lịch sử Roma trải dài 28 thế kỷ. Mặc dù thần thoại La Mã đặt mốc thời gian thành lập Roma vào khoảng năm 753 TCN, tuy nhiên thành phố đã có mặt cư dân sinh sống lâu hơn thế, khiến nó trở thành một trong những khu định cư lâu đời nhất có con người vẫn đang tiếp tục sinh sống tại châu Âu.[5] Là cái nôi thứ hai của nền văn minh phương Tây sau Athens với cư dân ban đầu có nguồn gốc hỗn hợp từ người Latinh, Etrusca và Sabine, thành phố sau đó trở thành thủ đô của Vương quốc La Mã, Cộng hòa La Mã và Đế quốc La Mã. Trong thời kỳ này với câu thành ngữ nổi tiếng "Mọi con đường đều dẫn đến La Mã", quyền lực của Roma phủ khắp phần lớn châu Âu, Bắc Phi và vươn đến Trung Đông, thống trị cả về quân sự lẫn văn hóa, là đầu não của một trong những nền văn minh vĩ đại nhất lịch sử, có ảnh hưởng toàn diện và sâu rộng đến xã hội, ngôn ngữ, văn học, nghệ thuật, kiến trúc, quy hoạch đô thị, kỹ thuật dân dụng, triết học, tôn giáo, luật pháp và phong tục xuyên suốt trong nhiều thế kỷ tiếp theo. Thành phố lúc bấy giờ là nơi cư ngụ của từ một đến hai triệu dân của thế giới cổ đại, khiến nó trở thành đô thị triệu dân đầu tiên của thế giới cũng như được nhận định là đại đô thị kiểu mẫu trung tâm đầu tiên của nhân loại.[6] Roma ban đầu được gọi là Thành phố vĩnh hằng (tiếng Latinh: Urbs Aeterna) bởi thi hào Tibullus người La Mã trong thế kỷ thứ nhất TCN và ý tưởng đó đã được Ovidius, Vergilius và Livius tiếp nối.[7][8] Thành phố còn nổi tiếng với danh hiệu "Caput Mundi" trong tiếng Latinh có nghĩa là Kinh đô thế giới.[9][10]
Được mở rộng đáng kể bởi các công trình vĩ đại dưới thời Julius Caesar và đặc biệt là ở thời Hoàng đế Augustus, thành phố đã bị phá hủy nặng nề một phần trong trận Đại hỏa hoạn thành Roma năm 62 và sau đó đạt đến đỉnh cao phát triển kiến trúc đô thị vào khoảng năm 320.[11] Theo sau sự sụp đổ của Đế quốc Tây La Mã đánh dấu khởi đầu của Đêm trường Trung Cổ, Roma dần rơi vào sự thống trị của chế độ giáo hoàng (đã xuất hiện tại thành phố kể từ thế kỷ 1) và chính thức thế kỷ 8 trở thành thủ đô của Vương quốc Giáo hoàng tồn tại cho đến năm 1870. Bắt đầu từ thời kỳ Phục Hưng, hầu như tất cả các giáo hoàng từ Nicôla V (1447–1455) trở đi đều chủ trương theo đuổi tiến trình mang tính kiến trúc và đô thị hóa liên tục suốt 400 năm nhằm mục đích biến thành phố trở thành trung tâm nghệ thuật và văn hóa của thế giới.[12] Do vậy, Roma trở thành trung tâm lớn của nền Phục Hưng Ý, đưa phong trào nghệ thuật này đạt đến đỉnh cao hoàng kim của nó, còn gọi là giai đoạn Thượng Phục Hưng, và sau đó trở thành nơi khai sinh của trường phái Baroque và chủ nghĩa Tân cổ điển. Những vĩ nhân kiệt xuất như Michelangelo, Raffaello hay Bernini cùng các đại nghệ sĩ, họa sĩ, nhà điêu khắc và kiến trúc sư nổi tiếng đã biến Roma trở thành trung tâm hoạt động của họ, tạo ra những kiệt tác ngoạn mục khắp toàn thành phố, tiêu biểu nhất có thể kể đến như Đại vương cung thánh đường Thánh Phêrô, Nhà nguyện Sistina, Dãy phòng Raffaello, Quảng trường đồi Capitolinus hay Đài phun nước Trevi.[13] Trong thế kỷ 19, Roma là biểu tượng của tinh thần thống nhất nước Ý và năm 1871 chính thức trở thành thủ đô của Vương quốc Ý mới sinh và sau đó là nền Cộng hòa Ý từ năm 1946 cho đến ngày nay.
Roma mang đẳng cấp của một thành phố toàn cầu,[14][15][16] và thường xuyên được xướng danh trong top những thành phố đẹp nhất thế giới.[17][18] Trong năm 2017, Roma xếp thứ 12 trong số những thành phố được viếng thăm nhiều nhất thế giới, đứng thứ 3 tại châu Âu và là điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng nhất tại Ý.[19][20] Ở vai trò là ngai trụ xứ của Giáo hoàng cũng như thánh đô của Giáo hội Công giáo hoàn vũ, công cuộc hành hương đến Roma đã khiến cho thành phố trở thành địa điểm quan trọng bậc nhất đối với những người theo đạo Kitô trên khắp thế giới trong nhiều thế kỷ. Khu trung tâm lịch sử của Roma được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.[21] Bảo tàng Vatican nổi tiếng nằm trong số những bảo tàng được viếng thăm nhiều nhất thế giới và Đấu trường La Mã trở thành điểm thu hút khách du lịch phổ biến nhất thế giới với 7,4 triệu lượt khách trong năm 2018.[22] Bên cạnh du lịch, nền kinh tế của thành phố cũng được định hướng theo hướng công nghệ mới, viễn thông và truyền thông đa phương tiện kể từ những năm 2000 trở lại đây. Roma được xem là một trong những danh thắng khảo cổ học lớn nhất và quan trọng nhất trên thế giới, thành phố cũng sở hữu nhiều cây cầu lịch sử và đài phun nước, hơn 900 nhà thờ, cũng như số lượng đồ sộ các viện bảo tàng đẳng cấp và nhiều trường đại học và trung tâm học thuật danh tiếng. Thủ đô của Ý là nơi đăng cai Thế vận hội Mùa hè 1960. Đây cũng là nơi thành lập nên Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC) và Cộng đồng Năng lượng nguyên tử châu Âu (EAEC), bên cạnh đó còn là trụ sở của các cơ quan chuyên môn thuộc Liên Hợp Quốc như Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO), Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) và Quỹ quốc tế về phát triển nông nghiệp (IFAD). Thành phố cũng là nơi đặt văn phòng Tổng thư ký Hội đồng Nghị viện Liên minh Địa Trung Hải[23] (UfM) cũng như trụ sở của nhiều tập đoàn kinh doanh quốc tế như Eni, Enel, TIM, Leonardo S.p.A., và các ngân hàng nhà nước và quốc tế như UniCredit và BNL. Khu vực quận kinh tế và trung tâm thương mại của thành phố được gọi là EUR, là cơ sở của nhiều công ty quan trọng tham gia vào các ngành công nghiệp dầu mỏ, công nghiệp dược phẩm và dịch vụ tài chính. Roma cũng là một trung tâm thiết kế và thời trang quan trọng nhờ các thương hiệu quốc tế nổi tiếng có trụ sở tại thành phố, và đứng ở vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng các kinh đô thời trang của thế giới trong những năm gần đây.[24] Phim trường Cinecittà của Roma là phim trường lớn nhất tại châu Âu, đã trở thành nơi bấm máy của rất nhiều bộ phim đoạt giải Oscar.[25]
Lỗi chú thích: Đã tìm thấy thẻ <ref>
với tên nhóm “lower-alpha”, nhưng không tìm thấy thẻ tương ứng <references group="lower-alpha"/>
tương ứng
<ref>
sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên Fashion2017