Rosalind E. Franklin | |
---|---|
Sinh | Rosalind Elsie Franklin 25 tháng 7 năm 1920 Notting Hill, Luân Đôn |
Mất | 16 tháng 4 năm 1958 Chelsea, London | (37 tuổi)
Nguyên nhân mất | ung thư buồng trứng |
Quốc tịch | Anh Quốc |
Trường lớp | Newnham College, Cambridge |
Nổi tiếng vì | Tìm ra cấu trúc của than đá và than chì, Cấu trúc của DNA, cấu trúc của virus |
Sự nghiệp khoa học | |
Ngành | Tinh thể học tia X |
Nơi công tác | British Coal Utilisation Research Association Laboratoire central des services chimiques de l'État King's College London Birkbeck College, London |
Rosalind Elsie Franklin (sinh ngày 25 tháng 7 năm 1920 - mất ngày 16 tháng 4 năm 1958)[1] là nhà lý sinh học và tinh thể học tia X có những đóng góp quan trọng cho sự hiểu biết về cấu trúc phân tử của DNA, RNA, virus, than đá, và than chì.[2] Nghiên cứu về DNA của bà đã đạt được những thành tựu to lớn vì trước cả Crick và Watson, bà đã thu thập được các dữ liệu cho biết rõ thành phần cấu trúc và dạng xoắn ốc của phân tử này, đặt nền móng cho chuỗi xoắn kép nổi tiếng của Crick và Watson công bố vào năm 1953.[3]
Rosalind Franklin được biết đến nhiều nhất qua công trình Photograph 51 là dạng wet "B" form của DNA (dạng ướt) bên cạnh dạng dry "A" form (dạng khô) cũng do bà khám phá. Theo Francis Crick, các dữ liệu của bà chính là "dữ liệu mà chúng tôi thực sự sử dụng"[4] để hệ thống nên lý thuyết về cấu trúc DNA năm 1953.[5] Những hình ảnh nhiễu xạ tia X của bà xác nhận cấu tạo hình xoắn ốc đã bị mang cho Watson xem mà không có sự đồng ý hay báo cho bà biết. Các khám phá của bà cung cấp hiểu biết có giá trị về cấu tạo DNA, tuy nhiên những đóng góp khoa học của bà đối với việc khám phá ra cấu trúc xoắn kép không được chú ý tới đương thời.[6] Khi Crick, Watson và Maurice Wilkins cùng được trao giải Nobel vào năm 1962, đã có nhiều ý kiến cho rằng Rosalind Franklin hoàn toàn xứng đáng cùng được nhận giải thưởng cao quý này. Tuy nhiên, lúc này bà đã mất, mà giải Nobel không trao cho những người đã qua đời.[7]
Bà được vinh danh là người phụ nữ đã chiến thắng chủ nghĩa phân biệt giới tính trong khoa học đương thời. Tên của bà được đặt cho nhiều trường trung học và một Viện nghiên cứu, đó là Rosalind Franklin Institute trực thuộc Chính phủ Vương quốc Anh, chính thức ra mắt vào ngày 6 tháng 6 năm 2018.[8]