Sarawak | |
---|---|
— Quốc gia — | |
Negeri Kenyalang (Vùng đất của chim mỏ sừng) | |
Tên hiệu: Vùng đất của chim mỏ sừng | |
Khẩu hiệu: "Bersatu, Berusaha, Berbakti" "Đoàn kết, cần miễn, phụng hiến" | |
Hiệu ca: Ibu Pertiwiku (quê ta) | |
Trực thuộc | |
Thủ phủ | Kuching |
Tỉnh | |
Chính quyền | |
• Kiểu | Thể chế Đại nghị |
Diện tích[1] | |
• Tổng | 124.450 km2 (48,050 mi2) |
Dân số (2015)[2] | |
• Tổng | 2.636.000 |
• Mật độ | 21/km2 (55/mi2) |
HDI | |
• HDI (2017) | 0,737 (trung bình) (13th) |
Múi giờ | UTC+8 |
Mã bưu chính | 93xxx đến 98xxx |
Mã điện thoại | 082, 083, 084, 085, 086 |
Mã ISO 3166 | MY-13 |
Biển số xe | QA & QK (Kuching) QB (Sri Aman) QC (Kota Samarahan) QL (Limbang) QM (Miri) QP (Kapit) QR (Sarikei) QS (Sibu) QT (Bintulu) QSG (Chính phủ bang Sarawak) |
Website | www.sarawak.gov.my |
Sarawak (phát âm tiếng Anh: /səˈrɑːwɒk/; phát âm tiếng Mã Lai: [saˈrawaʔ]; phát âm tiếng Việt: Sa-ra-vác) là một trong hai bang của Malaysia nằm trên đảo Borneo (cùng với Sabah). Lãnh thổ này có quyền tự trị nhất định trên lĩnh vực hành chính, nhập cư và tư pháp khác biệt với các bang tại bán đảo Mã Lai. Sarawak nằm tại miền tây bắc đảo Borneo, giáp với bang Sabah về phía đông bắc, giáp với phần đảo Borneo thuộc Indonesia hay còn gọi là Kalimantan về phía nam (các tỉnh Tây Kalimantan, Đông Kalimantan và Bắc Kalimantan), và giáp với quốc gia độc lập Brunei tại đông bắc. Thành phố thủ phủ bang là Kuching, đây là trung tâm kinh tế của bang và là nơi đặt trụ sở chính phủ cấp bang. Các thành thị lớn khác tại Sarawak gồm Miri, Sibu, và Bintulu. Theo điều tra nhân khẩu năm 2015 tại Malaysia, tổng dân số Sarawak là 2.636.000.[2] Sarawak có khí hậu xích đạo cùng các khu rừng mưa nhiệt đới và các loài động thực vật phong phú. Sarawak sở hữu một số hệ thống hang động đáng chú ý tại Vườn quốc gia Gunung Mulu. Sông Rajang là sông dài nhất tại Malaysia; Đập Bakun trên một phụ lưu của sông này nằm trong số các đập lớn nhất của Đông Nam Á. Núi Murud là điểm cao nhất tại Sarawak.
Khu định cư sớm nhất được biết đến tại Sarawak có niên đại từ 40.000 năm trước tại Hang Niah. Phát hiện được một loạt đồ gốm sứ Trung Hoa có niên đại từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XIII trong di chỉ khảo cổ tại Santubong. Các khu vực duyên hải của Sarawak nằm dưới ảnh hưởng của Đế quốc Brunei vào thế kỷ XVI. Gia tộc Brooke cai trị Sarawak từ năm 1841 đến năm 1946. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, khu vực bị quân Nhật chiếm đóng trong ba năm. Sau chiến tranh, Rajah Trắng cuối cùng là Charles Vyner Brooke nhượng Sarawak cho Anh Quốc, và đến năm 1946 lãnh thổ trở thành một thuộc địa hoàng gia Anh Quốc. Ngày 22 tháng 7 năm 1963, Sarawak được người Anh cấp quyền tự quản. Sau đó, lãnh thổ trở thành một trong các thành viên sáng lập Liên bang Malaysia vào ngày 16 tháng 9 năm 1963. Tuy nhiên, Indonesia phản đối thành lập liên bang, dẫn đến đối đầu giữa hai quốc gia. Từ năm 1960 đến năm 1990, tại Sarawak cũng diễn ra một cuộc nổi dậy cộng sản.
Người đứng đầu bang là thống đốc, hay còn gọi là Yang di-Pertua Negeri, còn người đứng đầu chính phủ là thủ hiến (Chief Minister). Hệ thống chính phủ theo sát mô hình hệ thống nghị viện Westminster và có hệ thống cơ quan lập pháp bang sớm nhất tại Malaysia. Sarawak được phân thành các tỉnh và huyện. Sarawak sở hữu sự đa dạng đáng chú ý về dân tộc, văn hóa và ngôn ngữ. Các dân tộc chủ yếu tại Sarawak là: Iban, Mã Lai, Hoa, Melanau, Bidayuh, và Orang Ulu. Tiếng Anh và tiếng Mã Lai là hai ngôn ngữ chính thức của bang. Gawai Dayak là một lễ hội thường niên được tổ chức vào ngày nghỉ lễ công cộng, và sapeh là một nhạc cụ truyền thống.
Sarawak có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, kinh tế bang có định hướng xuất khẩu mạnh, chú yếu dựa trên dầu khí, gỗ và cọ dầu. Các ngành công nghiệp khác là chế tạo, năng lượng và du lịch.